Cuối hè

Một buổi sáng cuối hè đầu thu, đường phố vắng tanh như Tết. Bao nhiêu lâu rồi không đi bộ dọc những con phố cổ của Hà Nội, nơi nắng và khói ban sớm trộn thành một thứ không khí chẳng lẫn đi đâu được. Hôm nay có cốm rồi, cốm đầu mùa, mà còn chờ vài tuần nữa mới tới đợt cốm ngon. Cốm bây giờ cũng không còn xay bằng tay nữa, hiếm khi thấy được “hạt cốm xanh như ngọc”, mà phần lớn cũng lại gói bằng lá ráy chứ hiếm khi có lá sen. Thế mà cầm gói cốm bé nhỏ trên tay vẫn thấy bồi hồi lạ lùng.

Đi bộ cùng bạn tới hiệu sách cũ. Nhạc Bach văng vẳng trên loa. Dạo này nghe Bach nhiều, đặc biệt là Chaconne. Hỏi bạn, này, có thấy nghe Chaconne như là có ai đang mơn trớn vào da thịt, như là foreplay (?). Hỏi xong rồi tự cười, vì không biết suy nghĩ dạo này dạt đi tận đâu rồi. Nhưng mà đúng là như vậy, hiếm có bản nhạc nào nghe mà như được ve vuốt, được hôn, được hít thật sâu, được ấp ôm da thịt người tình như bản nhạc này.

Bước dọc những giá sách, ngửi mùi sách cũ. Phòng có mấy người đang xem sách, bước qua một bạn, tôi khẽ thì thầm: “Xin lỗi”. Bạn thì thầm lại gần như ngay lập tức: “Không sao đâu.” Hai lời thì thầm chỉ trong vòng hai giây và cũng chỉ đủ cho hai người nghe, làm tôi tự hỏi thế giới này được tạo nên bởi bao nhiêu khoảnh khắc mà con người chia sẻ như thế, bao nhiêu lời thì thầm như thế.

Mưa chở mã, ầm ào trên mái. Mưa chở áo quần, tiền bạc xuống cho người âm phủ vào ngày rằm tháng bảy. Ghé một tai ra bên ngoài cửa số, nghe thấy cả một bản giao hưởng khác. Giao hưởng cuối hè.

Quà Hà Nội

Quà Hà Nội

Đây, của cụ Thạch Lam viết, bút ký “Hà Nội băm sáu phố phường”. Một thành phố thời chưa có Foody (nếu có chưa chắc cụ Thạch Lam đã nổi tiếng về review thức ăn, vì cụ còn cần biết chụp ảnh thế nào cho lung linh, ảo diệu).

“Trong một ngày, không lúc nào là không có hàng quà. Mỗi giờ là một thứ khác nhau; ăn quà cũng là một nghệ thuật: ăn đúng cái giờ ấy và chọn người bán ấy, mới là người sánh ăn.

Tang tảng sáng, tiếng bánh Tây đã rao, lẫn với tiếng chổi quét đường. Đó là quà của những người thợ đi làm sớm. Rồi, có từng độ, phố xá vang lên tiếng rao “bánh rán nóng, trinh một, xu đôi” của một lũ trẻ con. Cái bánh rán vừa cứng và xấu, thật làm giảm thanh thế của quà Hà Nội, do một cửa hàng nào đó muốn kiếm lời, cứ muốn bắt thiên hạ ăn bánh rán lúc còn ngái ngủ.

Này đây mới là quà chính tông: bánh cuốn, ăn với chả lợn béo, hay với đậu rán nóng. Nhưng là bánh cuốn Thanh Trì mỏng như tờ giấy và trong như lụa. Vị bánh thơm bột mịn và dẻo. Bánh chay thì thanh đạm, bánh mặn đậm vì chút mỡ hành. Người bán bánh cuốn Thanh Trì đội mẹt và rổ trên đầu, từng tụm năm, bảy người từ phía Lò Lợn đi vào trong phố, dáng điệu uyển chuyển và nhanh nhẹn.

Rồi mùa nực thì hàng xôi cháo: cháo hoa quánh mùi gạo thơm, xôi nồng mùi gạo nếp. Xôi đậu, xôi lạc, xôi vừng mỡ và dừa. Ở, cái xôi vừng mỡ, nắm từng nắm con, ăn vừa gậy vừa bùi. Mà có đắt gì đâu! Ăn một, hai xu là đủ rồi. Mùa rét thì xôi nóng, hãy còn hơi bốc lên như sương mù, ăn vừa nóng người vừa chắc dạ.

Và có ai ngẫm nghĩ kỹ cái vị hành khô chưng mỡ ở trong bát ngô nếp bung non; hàng giòn và thơm phức, những hạt ngô béo rưới chút nước mỡ trong … Ngô bung (xôi lúa) thì có nhiều hàng ngon, nhưng ngon nhất và đậm nhất là ngô bung của một bà già trên Yên Phụ. Cứ mỗi sáng, bà từ ô xuống phố, theo một đường đi nhất định, đã ngoài hai mươi năm nay, để các nhà muốn ăn cứ việc sai người ra đừng chờ. Bà đội thúng ngô, tay thủ vào cái áo cánh bông, và cất lên cái tiếng rao, tựa như không phải tiếng người, một tiếng rao đặc biệt và kỳ lạ: “Eéé …éc”, “Eé …ééc …”.